Incoterms là gì? Đây là một khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Incoterms là tập hợp các quy tắc về thương mại quốc tế, áp dụng trong các hợp đồng ngoại thương. Nó đóng vai trò rất quan trọng, là điều cơ bản cần thiết với những người muốn phát triển trong lĩnh vực này.
Hãy cùng daotaologistics.com cùng đi tìm hiểu về các điều kiện thương mại quốc tế Incoterms 2020 nhé!
1. INCOTERMS LÀ GÌ?
Trong giao dịch quốc tế, giữa các bên tham gia luôn yêu cầu phải có một bộ quy tắc và hướng dẫn chung về các thông lệ, quy tắc pháp lý. Đáp ứng điều đó phòng Thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) đã xuất bản các quy tắc Incoterms đầu tiên vào năm 1936.
>>>>> Bài viết xem nhiều: Review học xuất nhập khẩu tại Lê Ánh
Incoterms được viết tắt từ cụm từ Tiếng Anh “International Commerce Terms”. Đây là một bộ quy tắc thương mại quốc tế quy định về trách nhiệm của từng bên trong giao dịch quốc tế.
Các quy tắc này có 2 nội dung chính:
– Trách nhiệm của người mua và người bán
– Điểm chuyển giao trách nhiệm, chi phí và rủi ro từ người bán sang người mua.
Mục đích của Incoterms
Incoterms được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Không như các chính sách thương mại quốc gia, Incoterms mang tính phổ biến, đem lại sự rõ ràng, dễ dự đoán cho hoạt động kinh doanh.
Cái cốt lõi của Incoterms là giải thích những điều kiện thương mại thông dụng trong ngoại thương, với các mục đích sau:
– Giải thích thống nhất các điều khoản hợp đồng chung thường thấy trong các giao dịch xuất nhập khẩu.
– Minh họa về thời gian và phân chia chi phí, rủi ro giữa người mua và người bán
– Hướng dẫn cho người vận chuyển, người giao nhận, người mô giới hải quan, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa.
2. INCOTERMS 2020 CÓ GÌ MỚI SO VỚI INCOTERM 2010?
Incoterms được duy trì, phát triển, thường xuyên được cập nhập qua các năm 1967, 1976, 1980, 1990, 2000, 2010 và 2020. Mỗi bản cập nhập mới đều thể hiện rõ sự thay đổi của môi trường thương mại toàn cầu. Vì vậy các bên có liên quan tới giao dịch quốc tế phải hiểu rõ được những điều thay đổi trong Incoterms để áp dụng cho hoạt động kinh doanh của mình.
Incoterms 2020 là phiên bản mới nhật được cập nhật, sửa chữa. Vì thế các câu hỏi về Incoterms được đặt ra khá nhiều. Bởi Incoterms 2020 có sự thay đổi rõ rệt so với Incoterms 2010. Các điều khoản đã có sự tối ưu, thay thế, thêm bớt, sửa đổi, thậm chí là lược bỏ.
a. Cách sắp xếp, từ ngữ
Incoterms 2020 đã sắp xếp lại các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa người mua và người bán, thay thế, lược bỏ những từ nghĩa không cần thiết.
b. Phân chia chi phí một cách rõ ràng trong đó
– Quy định rõ chi phí lấy chứng từ giao hàng/vận tải
– Tập hợp các chi phí theo trách nhiệm của từng bên (bán/mua) theo dạng “one-stop list of costs”, nghĩa là người bán phải chịu chi phí tới điểm nào thì người mua phải chịu chi phí từ điểm đó trở đi.
c. Điều kiện DAT được thay thế bằng điều kiện DPU
Trong Incoterms 2020, điều kiện DAT – Delivered-at-terminal (Giao tại địa điểm đã dỡ xuống) được thay thế bằng điều kiện DPU – Delivery-at-Place Unloaded (Giao tại cảng). Có nghĩa là người bán sẽ phải chịu trách nhiệm giao hàng, chuyển giao rủi ro cho người mua sau khi hàng hóa được xếp xuống phương tiện vận tải tại nơi giao hàng được chỉ định.
d. Điều kiện FCA được sửa đổi mở rộng
FCA (Free Carrier) thay đổi cho phép người mua có quyền yêu cầu trung gian vận chuyển cấp chứng từ vận tải có ghi chú “đã xếp hàng xuống tàu” để thanh toán với ngân hàng mặc dù điểm giao hàng được thỏa thuận không phải là “on board” như FOB.
e. Sửa đổi điều kiện CIP
Trong Incoterms 2010, điều kiện CIP (Carriage and insurance paid to) quy định người bán phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí từ lúc mới gửi hàng đến khi người mua đã nhận được hàng tại địa điểm người mua chỉ định. Và ở đây, người bán sẽ phải mua bảo hiểm cho lô hàng ở mức tối thiểu. Đối với CIP Incoterms 2020, trách nhiệm của người bán được thay đổi ở chỗ phải mua bảo hiểm ở mức tối đa thay vì tối thiểu như phiên bản trước.
f. Thay đổi khác
Các điều khoản FCA (Free Carrier), DAP (Delivered At place), DDP (Delivered Duty Paid), DPU (Delivered At Place Unloaded) phiên bản mới bổ sung quy định người bán và người mua có thể trở thành người chuyên chở cho chính hàng hóa của mình nếu có khả năng vận chuyển.
(DAP/DPU/DDP: người bán, FCA: người mua)
3. TÓM TẮT CÁC ĐIỀU KIỆN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ INCOTERMS 2020
a. Áp dụng cho mọi phương thức vận tải
EXW (Ex Works) – Giao tại xưởng.
EXW Incoterms 2020 quy định trách nhiệm tối thiểu của người bán
Với điều kiện EXW người bán chỉ cần đặt hàng tại cơ sở, người mua sẽ cho người tới vận chuyển đi và trả tiền hàng. Điều khoản này nên áp dụng với trường hợp người bán không đủ khả năng làm bất cứ việc gì tới xuất khẩu hàng hóa như vận tải, mua bảo hiểm, làm thủ tục hải quan,….
– Người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa đó đã được đặt ở một địa điểm mà người mua chỉ định, có thể là cơ sở của người bán hoặc không.
– Người mua sẽ chịu trách nhiệm bốc xếp hàng hóa lên phương tiện và làm thủ tục hải quan.
– Khi việc giao hàng đã xảy ra, tức là mọi rủi ro đã được chuyển giao lên người mua (khi hàng hóa chưa được bốc xếp lên phương tiện).
– Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.
FCA (Free Carrier) – Giao cho người chuyên chở.
FCA Incoterms 2020 có thể được áp dụng khi người bán có thể tự mình làm thủ tục hải quan, khi đó người bán sẽ phải chịu thêm thuế xuất khẩu phát sinh. Vì vậy người bán thường dự tính trước tiền thuế đó và tính vào tiền hàng phải thu bên mua.
FCA có 2 nghĩa khác nhau, mỗi nghĩa đều quy định chi phí và rủi ro khác nhau cho 2 bên tham gia
– Trường hợp địa điểm chỉ định là cơ sở của người bán
– Trường hợp địa điểm chỉ định là nơi khác, mà không phải là cơ sở của họ
Nơi chi phí và rủi ro được chuyển giao cho người mua là địa điểm chỉ định khi người bán giao hàng hóa cho người mua.
FCA Incoterms 2020 quy định người bán phải thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu.
Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.
CPT (Carriage Paid To) – Cước phí trả tới.
CPT Incoterms 2020 áp dụng khi người bán có khả năng làm thủ tục hải quan như điều kiện FCA nhưng người mua lại không có khả năng thực hiện vận tải. Khi đó người bán sẽ tính toán các chi phí vận tải phát sinh và tính vào tiền hàng của người mua.
– Người bán sẽ thanh toán cho việc vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã thỏa thuận
– Người bán giao hàng và chuyển giao rủi ro cho người mua khi hàng được giao cho người chuyên chở.
– Người bán không chịu trách nhiệm khi hàng xảy ra vấn đề.
– Địa điểm giao hàng không phải là địa điểm chỉ định
CIP (Carriage and Insurance Paid To) – Cước phí và bảo hiểm trả tới.
CIP Incoterms 2020 được sử dụng khi người mua muốn nhận hàng như điều kiện CPT và muốn người bán mua bảo hiểm cho lô hàng. Người bán có trách nhiệm trả các chi phí và bảo hiểm nhưng nếu hàng hóa bị hư hỏng hay mất mát thì rủi ro này thuộc về người mua.
Trong đó, người bán mua bảo hiểm từ điểm giao hàng tới ít nhất là tới địa điểm được thỏa thuận.
Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.
DAP (Delivered At Place) – Giao tại nơi đến.
DAP Incoterms 2020 có thể được áp dụng nếu người mua không có khả năng đưa hàng về kho nhập khẩu. Người bán có thể làm thêm việc này, chi phí được tính trước và tính vào tiền hàng của người mua.
– Người bán chịu mọi trách nhiệm để đưa hàng tới địa điểm chỉ định.
– Người bán giao hàng, chuyển giao rủi ro cho người mua khi hàng được xếp dỡ xuống phương tiện vận tải để tới địa điểm chỉ định.
– Chi phí phát sinh trước khi giao hàng do người bán chịu và sau khi giao hàng do người mua chịu.
DPU (Delivery at Place Unloaded) – Giao tại địa điểm đã dỡ xuống
DPU Incoterms 2020 có thể được áp dụng khi người mua không có khả năng xếp dỡ hàng xuống phương tiện vận tải và đưa hàng về kho nhập khẩu. Khi đó người bán sẽ chịu trách nhiệm cho việc này, chi phí được tính trước và tính vào tiền hàng cho người mua.
– Người bán giao hàng, chuyển rủi ro cho người mua khi hàng hóa được dỡ xuống phương tiện vận tải và tới địa điểm người mua chỉ định.
– Người bán phải dỡ hàng tại điểm đến, chịu chi phí và rủi ro cho việc dỡ hàng xuống.
– Người bán chịu mọi chi phí phát sinh trước khi giao hàng và sau khi giao hàng thì mọi chi phí phát sinh do người mua chịu
– Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.
DDP (Delivered Duty Paid) – Giao hàng đã nộp thuế.
DDP Incoterms 2020 có thể áp dụng khi người mua không có khả năng làm thủ tục hải quan nhập khẩu cho lô hàng. Người bán có thể thực hiện việc này, tính trước tiền thuế nhập khẩu và tính vào tiền hàng cho người mua.
– Người bán giao hàng cho người mua khi hàng đã hoàn thành hết mọi thủ tục hải quan nhập khẩu
– Người bán chịu mọi trách nhiệm về hàng hóa cho đến khi đưa hàng hóa tới địa điểm chỉ định.
– Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu (cả chi phí làm thủ tục hải quan nhập khẩu) và chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.
3.2. Áp dụng cho phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa.
FAS (Free Alongside Ship) – Giao dọc mạn tàu
FAS Incoterms 2020 có thể áp dụng nếu người bán có khả năng đưa hàng ra cầu tàu tại cảng xuất. Người bán chịu mọi rủi ro, chi phí, tính trước các chi phí này vào tiền hàng cho người mua.
– Người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa được đặt dọc mạn tàu tại nơi người mua chỉ định.
– Rủi ro được chuyển giao cho người mua khi hàng hóa đã được đặt xuống dọc mạn tàu.
– Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.
FOB (Free on Board) – Giao hàng trên tàu
FOB Incoterms 2020 có thể được áp dụng khi người bán có khả năng đưa hàng lên boong tàu an toàn. Người bán chịu mọi rủi ro, chi phí, tính trước các chi phí này vào tiền hàng cho người mua.
– Người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa được đặt trên boong tàu được chỉ định bởi người mua.
– Rủi ro được chuyển giao cho người mua khi hàng đã được đặt trên boong tàu.
– Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.
CFR (Cost and Freight) – Tiền hàng và cước phí
CFR Incoterms 2020 có thể sử dụng khi người bán có khả năng thuê tàu. Người bán sẽ chịu mọi chi phí phát sinh và tính trước chi phí này vào tiền hàng cho người mua nhưng không chịu rủi ro phát sinh.
– Người bán giao hàng và chuyển giao rủi ro cho người mua khi hàng đã được đặt trên boong tàu.
– Người mua thực hiện việc mua bảo hiểm cho lô hàng.
– Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.
CIF (Cost, Insurance and Freight) – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí
Tương tự CFR, nhưng nếu người bán có khả năng mua bảo hiểm cho lô hàng thì có thể áp dụng CIF Incoterms 2020. Người bán chịu mọi chi phí phát sinh và tính trước các chi phí này vào tiền hàng cho người mua.
– Người bán giao hàng và chuyển giao rủi ro cho người mua khi hàng đã được đặt trên boong tàu.
– Người bán thực hiện việc mua bảo hiểm cho lô hàng.
– Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.
4. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI ÁP DỤNG INCOTERMS
– Incoterms được cập nhập và thay đổi liên tục nên nó tồn tại nhiều phiên bản. Tuy nhiên không có nghĩa là phiên bản sau phủ nhận hiệu lực của phiên bản trước. Vì vậy, trong giao dịch, các bên tham gia cần làm rõ phiên bản nào mà mình áp dụng. Như thế sẽ đáp ứng được các yêu cầu của các bên, sự công bằng, chính xác và đúng trách nhiệm của từng bên.
– Incoterms không phải là luật, nên nó không có tính chất bắt buộc. Đây chỉ là những tập quán thương mại, không yêu cầu phải tuân theo trong mọi trường hợp.
– Áp dụng trong thương mại quốc tế nên các điều khoản trong Incoterms có thể bị mất hiệu lực nếu vi phạm luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia giao dịch.
– Incoterms chỉ quy định về các điều kiện giao hàng, xác định thời điểm chuyển giao chi phí, rủi ro, trách nhiệm. Những vấn đề khác không liên quan như giá cả, lưu kho,… không thuộc quy định của Incoterms. Vì vậy các bên cần đàm phán kỹ lưỡng và rõ ràng trong hợp đồng giao dịch.
– Tùy vào vị thế mỗi bên tham gia, trong quá trình giao dịch có thể làm tăng hay giảm trách nhiệm của mình. Tuy nhiên điều này phải thực hiện dựa trên điều kiện là không được thay đổi bản chất các điều kiện cơ sở giao hàng.
Incoterms là điều cơ bản cần phải nắm vững trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy, chúng ta cần có những kiến thức đúng đắn về Incoterms hay là các điều kiện thương mại quốc tế Incoterms 2020 để có thể áp dụng một cách chính xác và có hiệu quả nhất. Nó có vai trò to lớn, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của thương mại quốc tế hay cũng rất cần thiết cho sự phát triển của bản thân khi tham gia vào lĩnh vực này!
Trên đây là Incoterms Là Gì? Thông tin về Incoterms 2020 . Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc. Để có thể làm tốt công việc xuất nhập khẩu bạn có thể tham khảo các bài chia sẻ nghiệp vụ trên các website uy tín hoặc tham gia các khoá học logistics thực tế tại các Trung tâm lâu đời.
>>>>>> Tham khảo thêm:
Surrendered B/L Là Gì? Quy Trình Làm Surrendered Bill
11 bước trong quy trình xuất nhập khẩu – logistics