thanh-toan-lc-la-gi

Thanh Toán LC Là Gì? Quy Trình Thanh Toán Bằng L/C

Rate this post

Thanh toán LC là gì? Thư tín dụng do đơn vị trung gian (ngân hàng) phát hành để đảm bảo vấn đề thanh toán giữa bên bán và bên mua. Bài viết sau Đào tạo Logistics chia sẻ chi tiết về đặc điểm của L/C, quy trình và mẫu thư tín dụng chứng từ.

Phương Thức Thanh Toán LC Và Những Điểm Cần Lưu Ý

1. Thanh Toán LC Là Gì?

LC là một bức thư do ngân hàng đại diện của người nhập khẩu (bên mua) lập ra theo yêu cầu của người nhập khẩu (bên mua) cam kết sẽ trả một số tiền nhất định cho người xuất khẩu (bên bán) tại một thời điểm cụ thể, nếu người xuất khẩu (người bán) xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều khoản được nêu trong thư tín dụng.

Bên bán cũng có một ngân hàng đại diện cho mình và bên bán sẽ chuyển bộ chứng từ hợp lệ này cho ngân hàng đại diện của mình tại quốc gia xuất khẩu.

Như vậy người mua, người bán và ngân hàng là những cá thể tham gia vào quá trình thanh toán bằng LC. LC được viết tắt bởi từ Letter of Credit. Ngoài ra để nhấn mạnh đến thanh toán mà ngân hàng sẽ giữ bộ chứng từ người ta còn có tên gọi khác là Documentary Letter of Credit để nhấn mạnh đến chứng từ và phương thức thanh toán.

2. Mẫu thư tín dụng LC và Nội dung thư tín dụng

Nhìn chung mẫu thư L/C rất đơn giản. Thậm chí khi gửi LC draft và LC qua email cho nhau họ gửi bằng file text (notepad). Các mẫu rất đơn giản chủ yếu là các dòng text. Khi in ra thì ngân hàng sẽ có logo và tên ngân hàng phát hành.

Mẫu L/C

mau-lc

Thông thường trên 1 LC cần có các nội dung sau:

Số hiệu và ngày mở: Tất cả các L/C đều phải có số hiệu riêng do ngân hàng mở L/C quy định , Ngày mở thư tín dụng: là ngày bắt đầu phát sinh cam kết của ngân hàng phát hành với người bán hàng.

Tên, địa chỉ, số điện thoại của 2 bên mua bán: Các thông tin của người yêu cầu mở LC và người thụ hưởng LC

Số tiền cần thanh toán: số tiền và đơn vị tiền tệ

Các mốc thời gian quan trọng: Thời hạn giao hàng, ngày hết hạn, thời hạn trả tiền.

Các nội dung về vận tải, giao nhận hàng hóa
– Incoterms: FOB, CIF hay CIP?
– Nơi gửi hàng, nơi nhận hàng(POL: Port of Loading, POD: Port of Discharge )
– Cho phép chuyển tải hay không? (Transshipment allowed/not allowed hoặc Permitted/Not permitted).
– Cho phép giao hàng từng phần không? (Partial shipments allowed/not allowed)

Chứng từ
– Các chứng từ bao gồm: hóa đơn thương mại (Commercial Invoice), phiếu đóng gói (Packing List), vận đơn (Bill of Lading), bảo hiểm hàng hóa (Insurance) nếu giao hàng CIF, giấy chứng nhận kiểm dịch,…,
– Thời hạn trễ nhất xuất trình chứng từ.

3. Quy Trình Thanh Toán Bằng L/C

Các bên tham gia trong quy trình bằng L/C này gồm có 4 bên:

– Người mở L/C: Người mua/ Nhà nhập khẩu
– Người thụ hưởng: Người bán/ Nhà xuất khẩu
– Ngân hàng phát hành: Ngân hàng Người mở L/C
– Ngân hàng thông báo: Đại lý Ngân hàng phát hành ở nước Người thụ hưởng

quy-trinh-lam-thanh-toan-lc
*Quy trình phát hành L/C nhập khẩu:

(1) Nhà nhập khẩu và Nhà xuất khẩu ký hợp đồng

(2) Nhà nhập khẩu Việt Nam làm giấy đề nghị mở L/C gửi đến Ngân hàng mình yêu cầu phát hành L/C cho Nhà xuất khẩu nước ngoài

(3) Ngân hàng Nhà nhập khẩu Việt Nam phát hành L/C chuyển L/C đến Ngân hàng Nhà xuất khẩu nước ngoài (Ngân hàng thông báo )

(4) Ngân hàng Nhà xuất khẩu nước ngoài thông báo L/C cho nhà xuất khẩu nước ngoài

(5) Nhà xuất khẩu nước ngoài giao hàng cho Nhà nhập khẩu Việt Nam

(6) Nhà xuất khẩu nước ngoài lập Bộ chứng từ gửi đến Ngân hàng xuất trình nước ngoài

(7) Ngân hàng xuất trình kiểm tra tính phù hợp của Bộ chứng từ và chuyển đến Ngân hàng phát hành kèm theo chỉ thị đòi tiền

(8) Ngân hàng phát hành tiến hành kiểm tra sự phù hợp của Bộ chứng từ và tiến hành thanh toán cho Ngân hàng xuất khẩu nước ngoài

(9) Ngân hàng phát hành thông báo đến Nhà nhập khẩu thanh toán

(10) Nhà nhập khẩu nhận Bộ chứng từ và thực hiện thanh toán

(11) Ngân hàng xuất trình nước ngoài ghi Có cho tài khoản Nhà xuất khẩu

*Quy trình phát hành L/C xuất khẩu:

(1) Nhà nhập khẩu và Nhà xuất khẩu ký hợp đồng

(2) Nhà nhập khẩu nước ngoài mở L/C cho Nhà xuất khẩu Việt Nam tại Ngân hàng nước Nhà nhập khẩu

(3) Ngân hàng Nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển L/C cho Ngân hàng Nhà xuất khẩu Việt Nam (Ngân hàng thông báo)

(4) Ngân hàng Nhà xuất khẩu thông báo L/C cho Nhà xuất khẩu tại Việt Nam

(5) Nhà xuất khẩu Việt Nam giao hàng cho Nhà nhập khẩu nước ngoài

(6) Nhà xuất khẩu Việt Nam lập Bộ chứng từ gửi đến Ngân hàng xuất trình Việt Nam

(7) Ngân hàng xuất trình sau khi kiểm tra tính phù hợp của Bộ chứng từ thì chuyển đến Ngân hàng phát hành nước ngoài kèm theo chỉ thị đòi tiền

(8) Ngân hàng phát hàng nước ngoài tiền hành kiểm tra sự phù hợp của Bộ chứng từ rồi tiến hành thanh toán

(9) Ngân hàng phát hành chuyển Bộ chứng từ đến Nhà nhập khẩu

(10) Nhà nhập khẩu nhận Bộ chứng từ và thực hiện thanh toán

(11) Ngân hàng xuất trình ghi Có cho tài khoản Nhà nhập khẩu Việt Nam.

Trên đây là Thanh toán LC là gì? Quy trình thanh toán bằng L/C. Hy vọng hữu ích với bạn đọc. Để có thể làm tốt công việc xuất nhập khẩu bạn có thể tham khảo các bài chia sẻ nghiệp vụ trên các website uy tín hoặc tham gia các khoá học logistics thực tế tại các Trung tâm lâu đời.

>>> Xem thêm: 11 bước trong quy trình xuất nhập khẩu – logistics

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *